Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Vài nét về Asean và AEC

Bài viết được Viettelcargo sưu tầm và chỉnh sửa


LỜI MỞ ĐẦU

 Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations-ASEAN) với mong muốn tăng cường hợp tác, giao lưu với các nước trong khu vực, tạo tiền đề hội nhập kinh tế thế giới. Cho đến nay, sau hơn 20 năm là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã cho thấy sự chủ động, tích cực của mình trong việc xây dựng một cộng đồng ASEAN chung, thống nhất. Đồng thời, các quốc gia thành viên ASEAN đều là những đối tác chiến lược, quan trọng của Việt Nam không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa.

Bước sang thế kỉ XXI, ASEAN có sự chuyển mình mạnh mẽ nhằm tăng cường liên kết khu vực, tận dụng những cơ hội cũng như đối phó hiệu quả hơn với những thách thức mới. Theo đó, Tuyên bố hòa hợp ASEAN II tại Bali, Indonesia (10/2003), đề ra những định hướng chiến lược cho sự phát triển của ASEAN, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động, tự cường và gắn kết với ba trụ cột chính là Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC). Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được chính thức thành lập, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của ASEAN.

AEC thành lập được cho là sẽ có những tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi là những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt khi tham gia vào thị trường khu vực và thế giới. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi xin chọn đề tài “AEC-cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” làm tiểu luận nghiên cứu của mình. Bài tiểu luận có giới thiệu những nét cơ bản về ASEAN và AEC, cơ hội và thách thức với Việt Nam khi AEC được thành lập. Qua đó, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường tiềm năng này.

Tuy nhiên, đây là một đề tài lớn, mang tính thực tiễn cao, đòi hỏi phải có sự hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ. Chính vì thế, dù đã rất cố gắng, chúng tôi không thể tránh được những sai sót trong quá trình thực hiện đề tài. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, đánh giá, phê bình của quý thầy cô để bài tiểu luận được hoàn thiện hơn.

1     Tổng quan về ASEAN và AEC

1.1                  Giới thiệu về ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations-ASEAN) được thành lập ngày 08/08/1967 trên cơ sở tuyên bố Bangkok, Thái Lan với 5 nước thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan. Đây được coi là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của khu vực. Sau gần 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành tổ chức hợp tác liên Chính phủ với 10 nước thành viên (bao gồm 5 thành viên sáng lập, 5 thành viên được kết nạp sau này là Brunei-1984, Việt Nam-1995, Lào-1997, Myanma-1997, Campuchia-1999) và 1 quan sát viên (Đông Timor), là một thực thể chính trị-kinh tế quan trọng ở Châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới.
ASEAN được thành lập với mục đích ban đầu là tạo ra một tập hợp chính trị nhằm đối phó với những tác động từ cuộc chiến tranh Việt Nam khi đó và ngăn chặn nguy cơ chủ nghĩa cộng sản (cả từ bên trong lẫn bên ngoài). Tuy nhiên, đến nay ASEAN đã có những thay đổi cơ bản về bản chất, thành viên, hình thức và nội dung hợp tác. ASEAN ngày nay được biết đến là một tổ chức hợp tác khu vực thực sự, mang tính năng động và toàn diện hơn, là một nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Với việc tham gia vào ASEAN, các nước Đông Nam Á không còn sự chia rẽ, đối đầu với nhau, thay vào đó là sự hợp tác trên cơ sở hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Ngoài ra, ASEAN còn là đối tác chiến lược của nhiều nước trên thế giới, tạo điều kiện cho các nước thành viên có cơ hội mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Ngày nay, nhắc đến ASEAN không còn là nhắc đến một tổ chức đơn thuần tập hợp lực lượng của các nước vừa và nhỏ, đang phát triển mà là một tổ chức hợp tác, đoàn kết của một khu vực có vị trí địa lý chiến lược về chính trị, văn hóa, quân sự và những tiềm năng to lớn trong việc giao lưu và phát triển kinh tế. Với những điều kiện đó, ASEAN đã phát triển trở thành một khu vực năng động bậc nhất với tầm ảnh hưởng không chỉ với kinh tế khu vực và trên thế giới. Trong năm 2014, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, lớn thứ 7 trên thế giới và là một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất, toàn diện nhất. Với dân số của cả khu vực là hơn 622 triệu người, ASEAN có thị trường tiêu dùng nội khối rộng lớn, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, hơn 50% dân số của ASEAN có độ tuổi dưới 30, với cơ cấu dân số này, ASEAN có những lợi thế to lớn về lao động khi lực lượng lao động hiện tại và tương lai đang rất dồi dào. Đặc biệt, trong năm 2015, ASEAN đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế với việc GDP đạt trên 2.5 nghìn tỷ đô la Mỹ, gần gấp đôi so với năm 2007 và thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn 80%, đạt trên 4000USD/người/năm.



Đây là những thành quả đáng ghi nhận cho những nỗ lực hợp tác và phát triển của các nước thành viên ASEAN trong suốt những năm qua. Nền kinh tế ASEAN hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa, ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa khi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thành lập cuối năm 2015 vừa qua.

1.2                  Giới thiệu về AEC

Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community-AEC) được chính thức thành lập ngày 31/12/2015, đánh dấu sự hợp tác phát triển mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN về kinh tế, đồng thời mở ra một thời kì hội nhập bền vững, lâu dài cho khu vực. AEC ra đời với mong muốn xây dựng một thị trường thống nhất giữa các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy sự giao lưu, di chuyển về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động trong khu vực. Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh, đồng thời giúp cho ASEAN có thể hội nhập sâu rộng và bình đẳng vào nền kinh tế toàn cầu.
AEC ra đời dựa trên một loạt các hiệp định được kí kết trong khuôn khổ ASEAN hướng tới mục tiêu hình thành một thị trường chung, thống nhất. Các hiệp định được kí kết có vai trò thúc đẩy thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư giữa các quốc gia trong khu vực. Về thương mại hàng hóa, Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN (ATIGA), tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA), được kí kết và đi vào thực hiện từ năm 1992. ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Về thương mại dịch vụ, ASEAN có Hiệp định khung về Dịch vụ ASEAN (ASEAN Framework Agreement on Services-AFAS). AFAS được kí nhằm điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ giữa các nước ASEAN. Ngoài ra, ASEAN còn khuyến khích đầu tư trong khu vực qua Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ASEAN comprehensive Investment Agreement- ACIA).
Tuy nhiên, phải đến năm 2003, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất đưa ra hoạch định về Tầm nhìn ASEAN 2020 gồm ba trụ cột chính là Cộng đồng An ninh – Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC). Trong đó, AEC được coi là quan trọng nhất, sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại. Năm 2007, một lần nữa các nhà lãnh đạo nhấn mạnh lại cam kết này, đồng thời quyết định đẩy nhanh quá trình thành lập AEC vào năm 2015. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý rút ngắn tiến trình hội nhập kinh tế khu vực bằng việc thông qua Kế hoạch hành động AEC. Ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC chính thức được thành lập với 4 trụ cột chính: một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế cạnh tranh cao; một khu vực phát triển đồng đều và hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện 4 trụ cột trên, ASEAN có những chính sách, bước đi mạnh mẽ. Ngoài những hiệp định đã được kí kết, các nước trong ASEAN cũng có được những đồng thuận trong việc xóa bỏ thuế quan, cắt giảm thủ tục hành chính, hướng tới một thị trường chung. Tiêu biểu cho quá trình này chính là việc các nước ASEAN đã cơ bản hoàn thành cắt giảm thuế quan, trong đó các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) đã cắt giảm 99.65% dòng thuế từ ngày 01/01/2010; và các nước CLMV(Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) được kéo dài thời gian hơn tới năm 2018. Ngoài ra, việc các nước ASEAN có chung một mẫu C/O-form D và Cơ chế một  cửa ASEAN (ASEAN Single Window-ASW) là biểu hiện cho một khối ASEAN thống nhất.
Có thể nói, với những tiềm năng và sự đồng thuận cao từ các nước trong khu vực, AEC được thành lập hứa hẹn sẽ thiết lập nền tảng cho sự tự do dịch chuyển của tất cả các nhân tố sản xuất quan trọng - hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ thuật và dòng vốn trong nội bộ khối.

2     Tác động của AEC với Việt Nam

2.1                  Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi AEC được thành lập

a.      Cơ hội

AEC được thành lập và đi vào hoạt động đem lại những lợi ích to lớn cho 10 nước thành viên. Trong đó, Việt Nam, với vị trí nằm ở trung tâm khu vực, có nhiều lợi thế về kinh tế xã hội, hứa hẹn sẽ nhận được những ảnh hưởng tích cực từ Cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC.
Cơ hội mở rộng thị trường
Từ trước đến nay, ASEAN luôn là một trong những đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam. Kể từ năm 2010, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và EU), ở chiều ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc). AEC được thành lập sẽ đem lại những lợi thế lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước. Trước hết, đó là cơ hội tiếp cận với thị trường có quy mô dân số 622 triệu người với mức thu nhập bình quân trên 4000 USD/năm. Bên cạnh đó, các nước ASEAN có nhiều điểm chung về văn hóa, tôn giáo. Đây cũng chính là một lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này.

Trong thời gian qua, ASEAN cũng đã tăng cường hội nhập, hợp tác với các quốc gia, khu vực trên thế giới. Những Hiệp định Thương mại tự do mà ASEAN kí với các quốc gia Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận những thị trường rộng lớn và tiềm năng khác.
Cơ hội thu hút đầu tư
Một trong những cơ hội lớn nhất khi AEC đi vào hoạt động là tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cả từ ngoại khối và nội khối. Đây là cơ hội mà không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều mong đợi. Khi ASEAN trở thành một cộng đồng kinh tế chung có nghĩa là các nền kinh tế trong khu vực có sự hợp tác chặt chẽ, không còn là những nền kinh tế rời rạc, chia cắt. Điều này khiến các nhà đầu tư nhìn nhận ASEAN là một nền kinh tế, có chung nguồn lực sản xuất cũng như nguồn nhân lực có kĩ năng và giá còn tương đối rẻ.
Đặc biệt, khi tham gia vào AEC, Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao trình độ phát triển, cải thiện môi trường đầu tư. Chính những thay đổi đó sẽ giúp cho Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Nâng cao sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu
Xây dựng một thị trường tự do hoàn toàn về thuế quan là cơ sở quan trọng khi AEC đi vào hoạt động. Các quốc gia thành viên AEC có cam kết xóa bỏ thuế quan trong thương mại nội khối. Điều này có nghĩa trong giao dịch buôn bán giữa các nước thành viên, thuế xuất sẽ giảm xuống 0%. Đây là điều kiện giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tăng cường và nâng cao giá trị sản phẩm của mình thông qua tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài hay tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp từ các nước thành viên trong cộng đồng. Thêm vào đó, sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ được hưởng những quyền lợi và ưu đãi đặc biệt khi tiến vào những thị trường là đối tác chiến lược của ASEAN, bởi theo Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) thì sản phẩm được coi là có xuất xứ ASEAN khi 40% sản phẩm được sản xuất ở ASEAN. Điều này có nghĩa sản phẩm của các nước thành viên ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Thu hút lao động có trình độ
Một trong những mục tiêu khi thành lập AEC là tạo ra môi trường thuận lợi cho việc lưu chuyển của các nguồn lực, trong đó nguồn lực lao động được coi là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất. Tham gia vào AEC, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tuyển dụng những lao động có tay nghề, trình độ cao từ các nước ASEAN, qua đó có thể khắc phục tình trạng thiếu lao động trình độ cao ở trong nước. Đến nay, các lao động trong các ngành nghkế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, kỹ sư, bác sĩ, y tá và cán bộ hộ sinh, trắc địa viên và các nghề liên quan đến du lịch được di chuyển tự do trong khu vực. Bên cạnh lao động, Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp nhận những công nghệ tiên tiến, áp dụng, thay thế những dây chuyền, công nghệ sản xuất cũ kĩ, lạc hậu trong nước, góp phần thay đổi năng suất lao động. Đồng thời, với việc lao động được tự do di chuyển, trình độ quản lý của nước ta sẽ được cải thiện và phát triển.

b.      Thách thức

Song song với những cơ hôi, AEC được thành lập đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho khu vực và các nước thành viên. Để tận dụng được cơ hội, duy trì được khả năng hội nhập và phát triển, Việt Nam cần phải nhận thức được những khó khăn sẽ gặp phải.
Nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ
Doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào AEC có được những lợi ích từ việc thuế quan được xóa bỏ, các hàng rào phi thuế quan cũng dần được hạn chế. Đó là cơ hội giúp cho doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận thị trường các nước trong khối dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cùng với đó là nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam để mất thị trường trong nước trong quá trình hội nhập. Tăng cường hội nhập đồng nghĩa thị trường Việt Nam được mở cửa, nhà đầu tư, nhà sản xuất nước ngoài có cơ hội vào Việt Nam, thị trường trong nước sẽ trở nên hết sức cạnh tranh. Như vậy, rất có thể chúng ta sẽ mất đi lợi thế sân nhà, các đối thủ cạnh tranh sẽ không chỉ là các doanh nghiệp trong nước.
Đây thực sự là nguy cơ lớn được chính các nhà lãnh đạo cấp cao trong ASEAN chỉ ra. Theo đó, cùng với Việt Nam, các nước CLMV có nền kinh tế kém phát triển hơn, hội nhập chậm hơn, sẽ phải cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan cho hàng hóa và dịch vụ từ các nước ASEAN khác mà chủ yếu và thực chất là từ các nền kinh tế phát triển hơn của ASEAN-6. Khi đó, các nước ASEAN-6 sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp cận với nguồn lao động giá rẻ, còn 4 thành viên còn lại trong khối có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước phát triển hơn.
Mối đe dọa về “sự lấn sân” này là có cơ sở và có khả năng cao trở thành sự thật. Gần đây, thương vụ mua lại chuỗi siêu thị bán lẻ BigC tại Việt Nam của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đánh dấu sự tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam của các ông lớn đến từ các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực. Trước đó, cũng một tập đoàn của Thái Lan (Tập đoàn Berli Jucker -BJC) đã đạt được thỏa thuận mua lại Metro Việt Nam. Cả BigC và Metro Việt Nam đều là những tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ. Chính vì thế, việc hai chuỗi siêu thị này được các đại gia Thái Lan “thâu tóm” sẽ khiến nguy cơ hàng Thái tràn sang Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ với các nhà bán lẻ trong nước, mà còn cả với các nhà sản xuất khi mà khả năng cạnh tranh của hàng Việt được đánh giá là kém hơn.
Chất lượng và năng suất lao động còn thấp
Một nguy cơ khác mà Việt Nam phải đối mặt chính là chất lượng và năng suất của lao động trong nước còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Theo báo cáo của Viện năng suất Việt Nam năm 2014 thì năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và châu lục. Đây cũng chính là một rào cản cho các doanh nghiệp trong nỗ lực nâng khả năng cạnh tranh của mình.

Doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết về AEC
Năm 2015 là năm quan trọng đối với Việt Nam với nhiều sự kiện quốc tế nổi bật, đánh dấu thời kì hội nhập mới của đất nước. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết và nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dường như còn rất thấp. Theo số liệu khảo sát gần 700 doanh nghiệp tại 5 tỉnh thành phố lớn vào giữa năm 2015 thì có đến 65% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC. Đây thực sự là một kết quả đem lại nhiều quan ngại khi mà phần đông doanh nghiệp trong nước chưa có được một sự chuẩn bị kĩ càng trước một “trận đánh lớn” như AEC. Khi hội nhập, điều quan trọng nhất là chúng ta phải nắm được đầy đủ và chính xác thông tin, phải biết được vị trí, nguồn lực của chúng ta trong khu vực và thế giới. Việc không có được sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn về AEC sẽ đem lại những bất lợi khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì lẽ đó, việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

2.2                  Một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp

Thị trường ngày nay là một thị trường mới, biến đổi từng ngày và cạnh tranh rất khốc liệt. Sự cạnh tranh sẽ không chỉ đến từ trong khu vực ASEAN mà còn từ khắp nơi trên thế giới. Để đối phó với những thách thức cũng như tận dụng những cơ hội, doanh nghiệp cần có những biện pháp phù hợp khi tham gia vào thị trường quốc tế.
Tăng cường hợp tác
Đây là yếu tố được đặt ra không chỉ khi Việt Nam tham gia vào AEC mà từ khi chúng ta bắt đầu tiến trình hội nhập. Như đã đề cập ở trên, khả năng cạnh tranh ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ doanh nghiệp của nước ta còn rất hạn chế. Chính vì thế, để có thể nâng cao sức cạnh tranh của mình, hợp tác là yếu tố cần thiết, quyết định đối với mỗi doanh nghiệp.
Hiện nay, khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước còn yếu và chưa thực sự đem lại hiệu quả. Điển hình là Việt Nam có khá nhiều hiệp hội (ví dụ như: Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội cao su Việt Nam, Hiệp hội chè Việt Nam,...) nhưng hầu hết các hiệp hội Việt Nam chưa phát huy được vai trò của mình. Để cải thiện được vấn đề này, các hiệp hội cần có sự đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và cách thức hành động, trở thành chỗ dựa thực sự cho doanh nghiệp trong thời kì hội nhập. Vai trò của các hiệp hội giờ đây không còn chỉ là xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mà các hiệp hội phải là người giúp doanh nghiệp đào tạo nhân lực, cũng cấp thông tin, tư vấn, phản biện chính sách, hỗ trợ các vấn đề pháp lý,..., đặc biệt những vấn đề có liên quan đến thương mại quốc tế.
Bên cạnh phải đoàn kết, xây dựng các hiệp hội thì việc hợp tác với nước ngoài cũng cần phải được đẩy mạnh. Việt Nam hiện nay ngày càng hội nhập sâu, thị trường mở cửa với nhiều chính sách thu hút đầu tư. Những điều kiện thuận lợi này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có thể dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài, tăng quy mô sản xuất, tiếp nhận những tiến bộ về khoa học công nghệ và trình độ quản lý, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải lựa chọn đối tác phù hợp với quy mô và tính chất của mình. Theo chia sẻ của ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, trong buổi giao lưu CEO NETWORK 2015, thì có 3 yếu tố để lựa chọn đối tác nước ngoài: (1) đối tác phải đủ lớn, có tiềm lực về vốn, kĩ thuật, nhân sự; (2) đối tác phải phù hợp với bản thân doanh nghệp và thị trường Việt Nam; (3) đối tác phải thực sự mong muốn vào thị trường Việt Nam.
            Chủ động
Phần đông doanh nghiệp Việt Nam không có sự chủ động cần thiết trong tiến trình hội nhập, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là điểm yếu cần khắc phục trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay.
Trước hết là phải chủ động tiên phong đổi mới, thay đổi cấu trúc. Những tư duy tổ chức, sản xuất lạc hậu phải được xóa bỏ, thay vào đó là tính hiện đại và chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều phải có tổ chức chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả đồng thời phải thể hiện sự chuyên nghiệp trong từng công đoạn của quá trình sản xuất, phân phối.
Sự chủ động thứ hai mà doanh nghiệp cần phải tiến hành là chủ động tìm kiếm thông tin. Trong bối cảnh một thị trường luôn biến động và thay đổi không ngừng như hiện nay thì thông tin có thể coi là một yếu tố quyết định đến sự tồn tại của bất cứ doanh nghiệp nào. Chính vì thế, doanh nghiệp cần phải cập nhật thường xuyên những thông tin về AEC, nắm bắt được lộ trình hội nhập của đất nước, qua đó có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược sản xuất kinh doanh, đặc biệt về thị trường, sản phẩm và mức độ cạnh tranh.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là thương mại điện tử, trong quá trình hoạt động. Ngày nay, với sự phổ biến của internet, máy vi tính, điện thoại thông minh, thị trường đã có những sự thay đổi cơ bản. Sự tương tác giữa nhà sản xuất và khách hàng ngày nay trực tiếp, dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Trên thế có rất nhiều ông lớn về thương mại điện tử mà với sự xuất hiện của họ đã làm thay đổi cả tư duy mua hàng của người tiêu dùng lẫn tư duy hoạt động của nhà sản xuất (ví dụ như Amazon, Alibaba, Epay,...). Có thể nói ứng dụng thương mại điện từ ngày nay là yếu tố tất yếu trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Nói cách khác, quyết định đến sự thành công không đơn thuần chỉ là tập trung sản xuất sản phẩm có chất lượng thật tốt, mẫu mã đẹp mà còn từ cách doanh nghiệp quản lý mối quan hệ với khách hàng, đối tác thông qua những website, những sàn giao dịch điện tử.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao
Để có thể đối phó với những áp lực ngày càng tăng khi gia nhập AEC, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm là chất lượng lao động. Thực trạng lao động Việt Nam hiện nay rất kém, chưa đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu của bối cảnh hội nhập. Do đó, nếu muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, sự quan tâm hơn đến việc phát triển thị trường lao động là rất cần thiết. Không chỉ là những lao động đang làm việc, doanh nghiệp cần có sự hợp tác với các cơ quan ban ngành, các trường cao đẳng, đại học nhằm tập trung vào hoàn thiện thể chế, đưa ra chính sách phát triển đồng bộ. Từ đó có thể nâng cao chất lượng lao động cho xã hội, góp phần xây dựng lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, giỏi về ngoại ngữ, thông thạo môi trường khu vực.



KẾT LUẬN


Hiện nay, nền kinh tế thế giới đòi hỏi sự hợp tác ngày càng chặt chẽ, sâu rộng hơn. Các nền kinh tế trên thế giới, dù là các siêu cường kinh tế, cũng đều phải có sự hợp tác, giao lưu với bên ngoài. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC là tất yếu, cho thấy tầm nhìn và chủ động của các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình hội nhập. AEC được thành lập sẽ không chỉ tạo ra môi trường hợp tác cho các quốc gia trong khu vực, mà còn góp phần xây dựng một thị trường chung, một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, giúp ASEAN tham gia toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.
Đối với Việt Nam, những cơ hội mà AEC mang lại là rất lớn. Đó là cơ hội tiếp cận sâu hơn vào một thị trường hơn 600 triệu dân, cải thiện môi trường đầu tư, tăng khả năng thu hút nguồn nhân lực. Tận dụng được những thuận lợi trên, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn rất thấp, không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến nguy cơ không thể mở rộng được thị trường mà còn có thể đánh mất thị trường tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, sự thiếu chủ động trong việc tìm hiểu về AEC có thể khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam không nắm bắt được thị trường, không có chiến lược sản xuất kinh doanh đúng đắn và dần bất lợi khi tham gia vào thị trường cạnh tranh như AEC.
Qua việc nhận định, phân tích những cơ hội và khó khăn mà AEC đem lại, bài nghiên cứu đưa ra một số giải pháp cần phải thực hiện, giúp doanh nghiệp có thể tham gia tích cực và hiệu quả hơn vào nền kinh tế khu vực: doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với cả đối tác trong nước và nước ngoài; chủ động hơn trong hoạt động; tham gia vào quá trình đào tạo lao động, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho hiện tại và tương lai. Qua đó, doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội, đứng vững trước sự cạnh tranh mạnh mẽ do quá trình hội nhập quốc tế đem lại.



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


      1.            Các bài viết trên trang website của MLC logistics
      2.            Các bài viết trên https://vinatransport.wordpress.com/
      3.            Ban thư kí ASEAN, 2015, ASEAN Economic Community 2015: Process and Key Achievement
      4.            Viện năng suất Việt Nam, 2014, Báo cáo năng suất Việt Nam 2014
      5.            Tiến sĩ Ngô Tuấn Anh, 2015, Hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam
      6.            Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, 2014, Bài giảng “AEC 2015-cú huých tổng lực cho doanh nghiệp Việt”, Diễn đàn tư vấn quản trị 2014
      7.            PGS, TS Lưu Ngọc Trịnh, 2016, Bài giảngToàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cộng đồng Châu Á”, khóa học Tăng cường hiểu biết lẫn nhau hướng tới Hội nhập khu vực và Cộng đồng Châu Á 2016
      8.            CEO NETWORK 2015, nguồn: http://ASEAN.thuvienphapluat.vn/
      9.            Website Hải quan Việt Nam:http://www.customs.gov.vn
 10.            Website truyền hình quốc hội:http://quochoitv.vn/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét